Get me outta here!

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Lễ hội hoa anh đào Hanami (Nhật Bản) có gì thú vị?



Lễ hội hoa anh đào Hanami ở Nhật Bản là một trong những lễ hội truyền thống thu hút rất nhiều du khách. Hãy khám phá ngay lễ hội này có gì thú vị nhé!

Giới thiệu chung về lễ hội hoa anh đào Hanami

Hanami là lễ hội hoa anh đào truyền thống của Nhật Bản được diễn ra vào tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Đây là khoảng thời gian hoa anh đào nở rộ khắp đường phố Nhật Bản, mang lại một khung cảnh yên bình, lãng mạn và những trải nghiệm khó quên cho người dân và khách du lịch khi tới đây.

Lễ hội anh đào Hanami không cố định địa điểm tổ chức cụ thể. Hoa anh đào ở Nhật Bản thường nở từ miền nam Nhật Bản trước rồi đến miền bắc. Chính vì vậy, lễ hội này được tổ chức kéo dài khắp trên mọi miền đất nước mặt trời mọc cho đến khi hết mùa. Người dân Nhật Bản đã lấy dấu mốc cây hoa anh đào ở đền Yasukuni bắt đầu nở hoa, lễ hội mới chính thức bắt đầu.



Lễ hội hoa anh đào Hanami là một trong những lễ hội truyền thống của Nhật Bản

Trong tiếng Nhật, “hana” có nghĩa là hoa, còn “mi” nghĩa là ngắm, nên lễ hội Hanami có ý nghĩa đơn thuần là một lễ hội ngắm hoa (“hoa” ở đây là hoa anh đào - biểu tượng của Nhật Bản). Lễ hội này có lịch sử lâu đời từ hàng nghìn năm trước, thời gian diễn ra lễ hội cũng là lúc người dân Nhật Bản cùng các du khách giao lưu, thư giãn; các gia đình đoàn tụ quây quần bên nhau cùng ăn uống, ngắm hoa và cầu chúc mọi điều tốt đẹp trong năm mới. Đây chính là những ý nghĩa to lớn mà lễ hội Hanami đem đến cho tất cả mọi người.

Các hoạt động tại lễ hội hoa anh đào Hanami
Ngắm hoa anh đào

Ngắm hoa anh đào là hoạt động chính ở lễ hội Hanami. Tùy thuộc khu vực mà bạn sẽ lựa chọn hình thức ngắm hoa phù hợp như đi dạo hoặc thuê thuyền ngắm hoa trên sông. Ở Nhật Bản có đến hơn 50 giống hoa anh đào khác nhau. Tuy nhiên, chúng vẫn nở cùng một thời điểm, nên bạn sẽ có cơ hội ngắm cùng lúc rất nhiều loài hoa anh đào với các màu sắc như trắng, hồng, đỏ rất đặc sắc.



Ngồi thuyền ngắm hoa anh đào - trải nghiệm được yêu thích tại lễ hội hoa anh đào Hanami
Tổ chức picnic, tiệc trà

Tại lễ hội Hanami, bạn cũng có thể chọn cho mình một vị trí đẹp để trải thảm, bày biện những món ăn tự chuẩn bị ở nhà và có một buổi picnic ngắn ngày cùng gia đình, bạn bè cực kỳ thú vị. Du khách có thể đi trong ngày hoặc ở lại qua đêm để tận hưởng không khí náo nhiệt nơi đây đều rất vui.

Bên cạnh đó, việc thưởng thức trà ngon dưới tán cây hoa anh đào cũng là hoạt động rất được yêu thích ở lễ hội Hanami. Trà vốn là một trong những đặc sản của xứ sở hoa anh đào, vậy nên thưởng thức tiệc trà ở lễ hội hoa anh đào chính là nét văn hóa đặc sắc mà bạn không nên bỏ qua nếu có dịp du lịch Nhật Bản.



Các gia đình đi picnic trong lễ hội Hanami
Thưởng thức ẩm thực Nhật Bản tại lễ hội hoa anh đào

Đến với lễ hội hoa anh đào Hanami, du khách còn có cơ hội khám phá ẩm thực, thưởng thức những món ăn không thể thiếu trong lễ hội như: cơm bento được trang trí đẹp mắt, bánh Hanami dango, bánh sakura mochi với nhiều màu sắc rực rỡ, sushi truyền thống Nhật Bản, rượu sake thơm nhức mũi hay mì lạnh hoa anh đào,... Đây chắc hẳn sẽ là trải nghiệm cực kỳ ý nghĩa trong chuyến đi Nhật Bản của bạn và gia đình mình đó.



Mọi người cùng nhau ăn uống tại lễ hội hoa anh đào Hanami

Những địa điểm ngắm hoa anh đào đẹp nhất Nhật Bản

Trong tiết trời còn se se lạnh và nắng đã chan hòa, từng dòng người tụ tập tại các khu vườn, công viên nơi trồng hoa anh đào. Đa phần những thành phố lớn như Tokyo, Osaka sẽ tập trung nhiều người đến dự lễ hội nhất. Cùng BestPrice điểm qua một số địa điểm ngắm hoa anh đào đẹp ở Nhật Bản được yêu thích nhất nhé:
Tokyo

Ở thủ đô Tokyo, điểm ngắm hoa anh đào đẹp nhất là đền Yasukuni, công viên Ueno, cung điện Imperial hay sông Meguro,... Mọi người cùng ngồi dưới tán hoa, trò chuyện, ca hát và thưởng thức một số món ăn Nhật Bản dễ dàng đem theo trong những chuyến cắm trại như sushi, cơm hộp bento, rượu hanamizake,… Sông Kyunaka ở Tokyo cũng là một trong các địa điểm ngắm hoa anh đào hot nhất với hoạt động ngồi thuyền trên sông để ngắm hoa, thưởng thức các bữa tiệc trà.



Lễ hội hoa anh đào ở Tokyo
Osaka

Tại Osaka, người dân và du khách thường tham gia lễ hội Hanami trên sông Okawa - trung tâm của thành phố. Ở đây bạn có thể ngồi thuyền trên sông để ngắm hoa anh đào bay khắp 2 bên bờ sông rất lãng mạn. Ngoài ra, công viên Osaka-jo, công viên EXPO, công viên Hirakata,... là những điểm ngắm hoa anh đào rất đẹp ở Osaka thu hút nhiều người ghé đến.
Kyoto

Khi ghé tới Kyoto để tham gia lễ hội hoa anh đào Hanami, mọi người thường tập trung đến chùa Daigoji, thành Nijo, đền Hirano Shrine, sông Kamogawa,... Đây đều là những điểm đến rất hấp dẫn thường có trong các lịch trình tour Nhật Bản. Tới đây vào mùa lễ hội hoa anh đào, du khách sẽ được hòa mình vào trong không gian ấm áp, tràn ngập sắc hoa và tham gia nhiều hoạt động thú vị.



Lễ hội hoa Hanami ở Kyoto là một trong những địa điểm ngắm hoa đẹp nhất (@soyjulianlavado)
Những lưu ý khi tham gia lễ hội hoa anh đào Hanami

- Tham gia lễ hội Hanami, bạn nên đến thật sớm để giữ cho mình một chỗ ngồi đẹp để ngắm cảnh. Tuy nhiên, đừng chen lấn, xô đẩy với người khác và chỉ lấy đủ diện tích ngồi để ngắm hoa thôi bạn nhé.

- Nếu đã tìm hiểu qua, chắc hẳn bạn sẽ biết rằng tuyệt đối không được bẻ cành hay ngắt hoa anh đào. Đây là loài cây được tôn trọng tuyệt đối ở Nhật Bản, nếu bạn không tuân thủ thì đây sẽ là một hành động xem như xúc phạm người Nhật.

- Giữ gìn vệ sinh chung và không nên uống quá nhiều rượu bia, đồ uống có cồn để tránh ảnh hưởng đến không khí nhộn nhịp trong lễ hội.

Trên đây là tổng hợp tất tần tật những thông tin hữu ích về lễ hội hoa anh đào Hanami, hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong chuyến du lịch Nhật Bản vào mùa xuân sắp tới.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

5 thanh kiếm samurai đắt giá nhất thế giới, kỷ lục lên đến 2351 tỷ đồng



Trong số nhiều vật phẩm sưu tầm có giá trị cao mà giới siêu giàu trên thế giới ưa thích, kiếm samurai hiện được xem là một trong số các món hàng có tiềm năng nhất với mức giá liên tục phá vỡ kỷ lục. Được cả những người không chuyên lẫn người yêu thích kiếm thuật săn đón, kiếm samurai là sản phẩm đại diện cho nghệ thuật rèn kiếm cổ của Nhật Bản còn lưu truyền đến ngày nay. ‏





‏Không phải ai cũng có thể rèn ra được kiếm samurai. Ước tính cho đến nay trên thế giới chỉ còn khoảng 180 thợ rèn kiếm có đầy đủ kỹ năng chế tác một thanh kiếm samurai. Mỗi thanh kiếm là độc nhất, chúng được tạo thành từ những lớp thép gấp với nhau để cho ra lưỡi kiếm hoàn chỉnh cùng lớp hoa văn có một không hai. Ở thời hiện đại, khi mục đích làm vũ khí đã không còn phù hợp, những thanh kiếm này trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí, chúng được xem như biểu tượng cho địa vị và trở thành món đồ sưu tầm hoặc đầu tư lý tưởng cho những người giàu có.

1. Samurai Tachi - 100.000.000 triệu USD ~ hơn 2.351 tỷ đồng

Samurai Tachi là thanh kiếm Nhật Bản đắt giá nhất từng được chế tác. Ban đầu, Samurai Tachi thuộc về lãnh chúa Fukushima Masanori - một daimyo nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, ông sống ở thế kỷ 16.




Thanh kiếm Tachi đã trải qua vô số trận chiến bên cạnh Fukushima Masanori và vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Vì lý do này, nó được xem là kiệt tác đại diện cho nghệ thuật chế tác kiếm đỉnh cao cũng như có một câu chuyện lịch sử đầy thú vị.

2. Katana Kamakura - 418.000 USD ~ 9,8 tỷ đồng

Kamakura katana là thanh kiếm được chế tác trong thời kỳ Kamakura, thời kỳ được miêu tả là giai đoạn hoàng kim của nghề chế tạo kiếm. ‏




Thanh Kamakura được mua vào năm 1992, thuộc bộ sưu tập kiếm của Dr. Walter Ames Compton, phần lưỡi kiếm ước đoán có từ thế kỷ 13. Theo ghi chép, chỉ có 125 thanh katana Kamakura tương tự từng được chế tác, nhưng không phải thanh nào trong số này cũng ở tình trạng tốt như thanh kiếm trong bộ sưu tập.
‏Các nhà nghin cứu cho rằng thanh katana này có nguồn gốc từ trường dạy kiếm Taima, nơi đã tạo tác nhiều thanh kiếm mỏng. Đặc điểm của những thanh kiếm từ ngôi trường này là chúng không có tên, vì thợ rèn kiếm hiếm khi khắc tên họ lên những thanh kiếm này. ‏

3. Katana Shoshu - 69.000 USD ~ 1,6 tỷ đồng

Thông qua ngày tháng và tên người chế tác được khắc trên kiếm, người ta có thể chứng minh được rằng thanh katana Shoshu có nguồn gốc từ thời Nanbokucho thuộc thế kỷ 14. Thanh kiếm do một thợ rèn kiếm bậc thầy của Nhật Bản sống tại Kyoto trong giai đoạn này thực hiện. Ông được cho là thợ rèn Hasebe Kunishige, một kiếm sinh tại võ đường Sosho và đồng thời là đồ đệ của bậc thầy kiếm thuật Masamune. ‏




‏Hasebe Kunishige được xem là một trong số những thợ rèn kiếm huyền thoại và được tôn sùng bậc nhất tại Nhật Bản. ‏

4. Katana Tokubetsu Hozon - 32.000 USD ~ 752 triệu đồng

Katana Tokubetsu này được thợ rèn kiếm Naniwa Jyu Gassan Sadayoshi tạo tác vào những năm cuối thời Edo. Cho đến nay, nó vẫn giữ nguyên giá trị về mặt lịch sử nhờ những dòng chữ khắc trên lưỡi kiếm. ‏




‏Naniwa Jyu Gassan Sadayoshi là một thợ rèn kiếm xuất sắc từng theo học tại võ đường Gassan, võ đường được thành lập ở Nhật Bản vào thế kỷ 12. Võ đường này không chỉ được biết đến là nơi đào tạo ra các thợ rèn kiếm huyền thoại mà còn có cả những thanh katana chất lượng tuyệt hảo với mức giá cực kỳ cao.

5. Kantana Ko-Mihara - 29.000 USD ~ 6,8 tỷ đồng

Dựa trên thẩm định và chữ khắc trên lưỡi kiếm, người ta cho rằng nó có niên đại khoảng 600 năm. Khi được khai quật, trên thanh kiếm vẫn còn những dấu vết của một cuộc chiến giữa rất nhiều samurai với nhau. ‏





‏Katana Ko-Mihara được chế tác tại võ đường Ko Mihara, nằm ở Bingo, thuộc tỉnh Hiroshima ngày nay. Võ được được thành lập vào cuối thế kỷ 14. ‏

Kiếm Nhật: Nguồn gốc, đặc trưng của các loại kiếm Nhật



Kiếm Nhật Bản là một biểu tượng của nền văn hóa và lịch sử phong phú xứ Phù Tang. Con đường phát triển của nó phản ánh sự pha trộn phi thường giữa tính thẩm mỹ và chức năng, là hiện thân cho quan niệm về cái đẹp độc đáo của người Nhật. Trong bài viết này, hãy cùng Kilala tìm hiểu về nguồn gốc và sự phát triển của kiếm Nhật cùng những thanh kiếm nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Kiếm Nhật là gì?

Kiếm Nhật hay “Nihonto” (日本刀 – Nhật Bổn Đao) là thuật ngữ chung chỉ những thanh kiếm được chế tạo bằng phương pháp rèn độc đáo của người Nhật.

Theo nghĩa rộng hơn, nó đề cập đến những thanh kiếm được sản xuất tại Nhật Bản. Còn theo nghĩa hẹp, Nihonto chỉ bao gồm những thanh kiếm xuất hiện từ cuối thời Heian (794-1185) và sau đó trở thành dòng kiếm chủ đạo của Nhật Bản, gắn liền với tầng lớp chiến binh Samurai.
Kiếm Nhật - tinh hoa nghệ thuật thủ công Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia

Lịch sử ra đời và phát triển của kiếm Nhật Bản

Ở Nhật Bản, kiếm được chế tạo muộn nhất là vào thời Kofun (khoảng thế kỷ 3 đến thế kỷ 7), nhưng loại kiếm ban đầu là kiếm nhật thẳng (Chokuto), được du nhập từ lục địa Châu Á.

Với các cuộc chinh phục vùng phía bắc Ezo trong thời Heian (794-1185), bắt đầu có sự chuyển đổi từ kiếm nhật thẳng sang kiếm cong (Wanto). Nửa sau thời kỳ này đánh dấu sự trỗi dậy của hai đại kình địch: gia tộc Minamoto và gia tộc Taira, đi kèm với nó là sự phát triển của những thanh kiếm cong rất dài, còn được gọi là Tachi. Kiếm từ thời điểm này trở đi được gọi là Nihonto - kiếm Nhật Bản.

Theo dòng lịch sử, kiếm Nhật được chia thành 4 loại chính: “古刀 – Koto – Cổ Đao”, “新刀– Shinto – Tân Đao”, “新々刀 – Shinshinto – Tân Tân Đao” và “現代刀 – Gendaito – Hiện Đại Đao”.

Trận Sekigahara năm 1600 thường được coi là ranh giới giữa kiếm Nhật "Cổ" và "Tân", tức “Cũ” và “Mới”. Nói cách khác, loại kiếm được sản xuất và sử dụng ở Nhật Bản đã có sự thay đổi đáng kể trong thời đại Keicho kéo dài từ năm 1596 đến 1615.

Cuộc giao tranh kết thúc với sự ra đời của Mạc phủ Tokugawa, dẫn đến những thay đổi đáng kể về nhu cầu và phương pháp chế tạo kiếm. Mặc dù Tachi với đặc trưng lưỡi kiếm rất dài là loại phổ biến hàng đầu cho đến giữa thời Muromachi (1392–1573), nhưng sau đó nó đã được thay thế bằng Katana ngắn và nhẹ hơn.
Ảnh: blackbeltmag.com


Giai đoạn Shinshinto kéo dài từ năm 1780 cho tới cuối thời Edo (1603–1868). Kiếm nhật ở giai đoạn này mô phỏng theo những thanh kiếm cũ, nhưng được phát triển thêm những đặc điểm và kiểu dáng của riêng mình.

Cuộc Duy Tân Minh Trị đã chấm dứt chế độ Mạc phủ Tokugawa và khôi phục quyền cai trị của Thiên hoàng. Năm 1876, chính quyền Minh Trị bãi bỏ tầng lớp võ sĩ đạo và cấm đeo kiếm nơi công cộng. Vì lẽ đó, trong thời gian này, những thanh kiếm truyền thống của Nhật Bản được dùng làm đồ trang trí nghệ thuật hơn là thực hiện chức năng vũ khí.

Vào đầu những năm 30, nhiều thanh kiếm được sản xuất hàng loạt cho các sĩ quan trong quân đội đế quốc. Chúng có hình dạng truyền thống của kiếm Samurai, nhưng không có các đặc điểm thẩm mỹ của một lưỡi kiếm được rèn bằng tay như hoa văn hamon và vân kiếm.

Ngoài ra, những thanh kiếm quân đội này được làm từ thép đúc, không phải theo cách truyền thống như nghệ thuật rèn kiếm Edo Katana là dùng thép Tamahagane. Kiếm từ giai đoạn này về sau được gọi là Gendaito.
Ảnh: thoughco

Cấu tạo của kiếm Nhật

Trong lịch sử của Nihonto, rất nhiều loại kiếm đã được ra đời để phục vụ cho mục đích của người sử dụng, và mỗi loại như vậy lại sở hữu những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, nhìn chung, cấu tạo cơ bản của một thanh kiếm Nhật sẽ bao gồm những phần sau:Saya: Bao kiếm.
Tsuka: Chuôi kiếm, thường được quấn vải hoặc chạm khắc cầu kỳ theo thẩm mỹ, cá tính của người sở hữu.
Tsuba: Kiếm cách – bộ phận ngăn cách chuôi kiếm và phần lưỡi kiếm.
Ha: Lưỡi kiếm, là cạnh sắc của kiếm
Mune: Sống kiếm, là lưỡi cùn của kiếm.
Menuki: Phần họa tiết trang trí hoặc cầu may được gắn ở chuôi kiếm
Habaki: Phần thép nhỏ ngăn cách chuôi kiếm với thân kiếm.
Monouchi: Phần nhọn của lưỡi kiếm
Kissaki: Mũi kiếm
Hamon: Vân kiếm nằm trên lưỡi sắc của kiếm, được điêu khoắc hoặc in.
Các bộ phận của thanh kiếm Nhật. Ảnh: nihontoownersclub.com
Nghệ thuật rèn kiếm của Nhật Bản

Việc rèn nên những thanh kiếm Nhật đẹp, cao cấp là một quá trình đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ và không kém phần tinh tế. Và nghệ thuật rèn kiếm xứ Phù Tang đã phát triển qua nhiều thế kỷ để đáp ứng những nhu cầu thay đổi về phong cách, thẩm mỹ lẫn cải tiến kỹ thuật.

Để tạo ra những lưỡi kiếm này, người thợ rèn không chỉ cần có sức mạnh thể chất mà còn phải có sự kiên nhẫn, khéo léo và một đôi mắt tinh tường có thể nhìn ra giới hạn của vật liệu cũng như vẻ đẹp của một thanh kiếm thành phẩm.

Các thợ rèn Nhật Bản theo truyền thống sử dụng tamahagane, loại thép được sản xuất trong lò luyện tatara từ cát giàu sắt. Ở thời hiện đại, chế tạo kiếm Nhật Bản theo cách truyền thống vẫn sử dụng loại thép này. Ngày nay, nhà máy luyện tatara cuối cùng còn hoạt động nằm ở Yokota, tỉnh Shimane.
Nghệ thuật rèn kiếm Nhật được phát triển qua hàng trăm năm. Ảnh: Toki

Những đặc trưng của kiếm Nhật Bản

Rèn những thanh kiếm Nhật truyền thống chất lượng cao từ những nguyên vật liệu cơ bản không phải là một quá trình dễ dàng. Những người thợ rèn thường dành hơn hai tuần để tạo ra một thanh Nihonto duy nhất, thậm chí có trường hợp mất đến hàng tháng trời.

Khi bắt tay vào rèn một thanh kiếm mới, các thợ rèn Nhật Bản sẽ nhắm đến bốn tiêu chuẩn sau để tạo ra thanh Nihonto đạt chuẩn.
Sức mạnh

Những thanh kiếm truyền thống chất lượng cao của Nhật Bản cực kỳ chắc chắn và có thể chịu được áp lực đáng kể mà không bị gãy nứt hoặc hư hại. Trước thời kỳ Trung đại của Nhật Bản, những người thợ rèn đã làm kiếm bằng đồng, họ đổ đồng nóng chảy vào khuôn đúc để tạo ra lưỡi kiếm.

Tuy nhiên, những thanh kiếm bằng đồng thiếu đi sự bền bỉ, vì vậy cuối cùng họ đã chuyển sang sử dụng sắt và thép, cho phép đạt được mức độ sức mạnh vượt trội.


Xem thêm
Khám phá nơi tu tập của kiếm sĩ Miyamoto Musashi tại Kumamoto


Tính linh hoạt

Các thợ rèn nhận ra rằng kiếm Nhật phải có khả năng uốn cong dưới áp lực, nếu không, chúng sẽ dễ bị hư hại. Để vượt qua thử thách này, họ đã sử dụng phương pháp xử lý nhiệt đặc biệt: phủ một lớp bùn đất sét dày lên sống kiếm, trong khi không phủ hoặc chỉ phủ một ít lên cạnh sắc.

Khi thanh kiếm vẫn còn nóng, người thợ làm nguội nó trong nước hoặc dầu, cho phép sống kiếm và cạnh kiếm nguội đi ở các tốc độ khác nhau, mang đến sự linh hoạt cho kiếm.
Một thanh kiếm Nhật chất lượng phải đảm bảo 4 tiêu chuẩn: sức mạnh, tính linh hoạt, độ cứng và cân bằng. Ảnh: handmadesword.com

Độ cứng

Mặc dù nghe có vẻ tương tự nhau nhưng độ cứng và sức mạnh là hai đặc tính khác biệt, và một thanh kiếm phải đảm bảo được cả hai yêu cầu này.

Sức mạnh thường đề cập đến khả năng chịu đựng áp lực của vật thể, trong khi độ cứng đề cập đến khả năng ngăn ngừa biến dạng. Nếu một thanh kiếm không cứng, nó có thể bị biến dạng dưới tác động của lực, chẳng hạn bị uốn cong hay nứt vỡ.
Tính cân bằng

Cuối cùng, một thanh kiếm chất lượng cao sẽ được thiết kế với sự cân bằng tổng thể. Nói cách khác, chúng không nên nặng hơn ở phần trên và cũng không nên nặng hơn ở phần dưới.

Tại Nhật Bản thời phong kiến, những người thợ rèn đã rèn kiếm sao cho chúng có độ cân bằng phù hợp, cho phép các chiến binh Samurai và những người luyện võ sử dụng dễ dàng hơn. Nếu một thanh kiếm không cân bằng, nó sẽ bị loại bỏ và dùng làm nguyên liệu để rèn nên những thanh kiếm khác.
Ảnh: akibagamers.it

Những loại kiếm Nhật phổ biến nhất
1. Katana (刀) – Đao

Loại kiếm nổi tiếng nhất của Nhật Bản, Katana, là thanh kiếm dài biểu tượng của các Samurai. Nó vừa phục vụ như một huy hiệu cấp bậc, vừa là vũ khí chiến đấu đồng hành với võ sĩ. Samurai đeo thanh Katana với cạnh sắc hướng lên trên và thường cầm nó bằng hai tay, giúp loại kiếm này hiệu quả khi chiến đấu bằng chân.


Thanh kiếm Katana có chiều dài lưỡi kiếm hơn 60cm nhưng có độ cong nhỏ hơn so với những thanh kiếm tiền nhiệm.
Thanh kiếm Katana. Ảnh: kcpinternational.com

2. Wakizashi (脇差) – Hiếp Soa

Phiên bản ngắn hơn của Katana - Wakizashi là người bạn đồng hành thường xuyên của Samurai. Nó dài khoảng 45cm và thường được sử dụng kết hợp với Katana.

Cả hai loại kiếm đều cong và chỉ có một lưỡi nhọn, nhưng Wakizashi đặc biệt thích hợp trong cận chiến. Nó cũng phục vụ như một vũ khí tự vệ cho các tầng lớp dân cư khác như thị dân và thương nhân.
3. Tachi (太刀) – Thái Đao

Là thanh kiếm Nhật Bản đầu tiên có lưỡi cong, Tachi được dùng làm vũ khí cho kỵ binh. Các chiến binh trên lưng ngựa ban đầu đeo thanh kiếm Tachi trên thắt lưng, với lưỡi kiếm hướng xuống, cho phép sử dụng kỹ thuật chém hiệu quả. Tachi có nhiều nét tương đồng với “người kế nhiệm” của nó là Katana, nhưng có độ cong rõ rệt hơn.

Chiều dài lưỡi kiếm Tachi khác nhau tùy thuộc vào từng thời kỳ, nhưng sau đó được ấn định chính thức từ 44 đến 67cm.
Tachi. Ảnh: Wikimedia

4. Kodachi (小太刀) – Tiểu Thái Đao

Là phiên bản ngắn hơn của Tachi, có chiều dài khoảng 60cm.
5. Odachi ( 大太刀) – Đại Thái Đao

Đây là thanh kiếm Samurai dài nhất, với chiều dài lưỡi kiếm dao động từ 90 đến 130cm, theo truyền thống được đeo ngang lưng. Thuật ngữ Odachi có nghĩa đen là tachi lớn, và còn được gọi với tên khác là Nodachi (野太刀).
6. Tanto (短刀) – Đoản Đao

Là thanh kiếm có lưỡi ngắn hơn 30cm. Tanto thường được phân loại là kiếm, nhưng cách sử dụng của nó cũng tương tự như dao.

Tanto có thể được rèn theo cặp hoặc đơn với mục đích chính dùng để đâm. Đây cũng là thanh kiếm Samurai dùng để rạch bụng trong nghi lễ Seppuku.
Đao Tanto. Ảnh: samuraiworld

7. Naginata (薙刀) – Thái Đao

Naginata là tên một loại kích của Nhật Bản, nó là một cây gậy dài có lưỡi cong nhọn ở đầu. Ban đầu Nanigata được sử dụng bởi tầng lớp Samurai. Đây cũng là vũ khí mang tính biểu tượng của Onna-musha, các nữ chiến binh thuộc giới quý tộc Nhật Bản.

Tổng chiều dài của nó rơi vào 205 - 260cm, còn lưỡi đao là 85 - 100cm.
8. Chokuto (直刀) – Trực Đao

Không giống như thanh Katana nổi tiếng, Chokuto có lưỡi thẳng và bản thân nghĩa đen của từ này là “thanh kiếm thẳng”. Chiều dài của nó rơi vào khoảng 60-90cm.

Chokuto được sử dụng đầu tiên bởi tầng lớp chiến binh Samurai, về sau có thêm dân thường và các nhân vật liên quan đến tôn giáo.
9. Nagamaki (長巻) – Trường Quyển

Nagamaki có phần chuôi dài bằng lưỡi kiếm, thoạt nhìn khá giống với Naginata nhưng nó thực chất được phát triển từ Odachi. Odachi rất khó sử dụng do chuôi cầm ngắn và lưỡi kiếm cực dài. Vì vậy, một số chiến binh đã bọc phần dưới của lưỡi kiếm để mở rộng tay cầm.

Nó thường có chiều dài lưỡi kiếm 60cm trở lên, với phần chuôi cũng dài tương đương.

Nagamaki. Ảnh: japonalia

10. Yari (槍) – Thương

Yari là một loại giáo của Nhật, có lưỡi đao rất dài và thẳng (từ vài chục cm cho tới hơn 1m). Đây là loại vũ khí thường xuyên xuất hiện trên chiến trường trong thời Chiến Quốc.
Có được phép sở hữu kiếm ở Nhật Bản?

Chính phủ Nhật Bản cho phép sở hữu kiếm Nihonto để sử dụng trong gia đình và những lưỡi kiếm này phải có giấy chứng nhận cũng như giấy phép. Quy tắc chỉ áp dụng cho kiếm cổ và kiếm mới, các loại kiếm luyện tập như Iaito được miễn trừ. Ngoài ra, chính phủ không công nhận kiếm trong quân đội và yêu cầu tiêu hủy chúng.

Để duy trì chất lượng kiếm Nhật, các thợ rèn được cấp phép chỉ được sản xuất tối đa 2 thanh kiếm Nhật kích thước dài như Katana hoặc 3 thanh kiếm ngắn hơn như Wakizashi và Tanto mỗi tháng.

Tuy nhiên, vũ khí hợp pháp duy nhất được mang ra khỏi nhà là những lưỡi kiếm ngắn hơn 6cm, điều đó có nghĩa là bạn không thể mang theo đoản đao Tanto đến nơi công cộng.

6 quy tắc ở Nhật Bản không nghiêm ngặt như chúng ta nghĩ



Trong tâm trí của nhiều người, hình ảnh về Nhật Bản thường liên quan đến sự nghiêm khắc và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc xã hội. Tuy nhiên, khi tìm hiểu và tiếp xúc bạn sẽ phát hiện ra rằng có nhiều quy tắc tưởng chừng nghiêm ngặt nhưng thực tế lại không quá khắt khe như chúng ta nghĩ.


1. Vừa đi vừa ăn là điều không nên

Việc ăn trong khi đi bộ đã trở thành một phong tục phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á, nơi nổi tiếng với ẩm thực đường phố phong phú. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, người ta thường tránh thói quen này và xem nó là không lịch sự. Thay vào đó, người Nhật khuyến khích việc thực hành cách ứng xử đúng mực bằng cách tìm một chỗ ngồi và thưởng thức món ăn của mình. Các quầy hàng thức ăn thường có khu vực ngồi hoặc đứng để khách hàng có thể thư giãn và thưởng thức món ăn một cách thoải mái.

Điều này cho thấy việc ăn uống khi di chuyển không còn là điều lạ lẫm, đặc biệt là ở các khu du lịch hoặc thành phố lớn. Mặc dù việc ăn uống trên đường phố có thể không thu hút được sự ưa thích của người dân địa phương, nhưng cũng không gây ra sự khó chịu nhiều. Thậm chí, ngay cả người dân địa phương cũng thỉnh thoảng sẽ chọn ăn uống khi họ đang di chuyển đến nơi làm việc.

Quan trọng nhất là đảm bảo việc vứt rác vào các thùng rác thích hợp, bởi người Nhật rất coi trọng việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Nếu không có thùng rác xung quanh, hãy đặt rác vào túi của bạn và mang về nhà để vứt, thay vì vứt ra ngoài đường.



2. Hình xăm là điều cấm kỵ và phải luôn che

Trong một thời gian dài, hình xăm được coi là điều cấm kỵ ở Nhật Bản. Nó gắn liền với văn hóa Yakuza (tổ chức tội phạm có tiếng) và do đó thường mang ý nghĩa tiêu cực. Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, hình xăm thậm chí còn bị pháp luật cấm. Rất may, điều này không còn xảy ra nữa!

Một sự thay đổi trong những năm gần đây có nghĩa là ngày càng có nhiều người trẻ Nhật Bản xăm hình một cách công khai và tự hào ở đất nước này. Những khách du lịch yêu thích nghệ thuật trên cơ thể sẽ rất vui khi biết rằng không cần phải che hình xăm để giữ phép xã giao khi ra ngoài ở Nhật Bản.

Mặc dù việc che giấu hình xăm vẫn còn ở một số nơi như suối nước nóng, nhà tắm công cộng hoặc bể bơi, nhưng không còn là điều bắt buộc ở nhiều nơi khác. Vì vậy, trước khi ghé thăm một địa điểm, hãy liên hệ trước để đảm bảo bạn sẽ không gặp vấn đề về việc mang theo hình xăm của mình.




Tìm việc làm tiếng Nhật tại đây

3. Văn hoá cúi chào

Giống như nhiều điều ở đất nước Đông Á có truyền thống sâu sắc này, việc cúi chào ở Nhật Bản có những điều phức tạp. Độ sâu và chiều dài của cái cúi chào khác nhau, tùy thuộc vào mức độ của bạn hoặc tầm quan trọng của người mà bạn đang chào hỏi.

Khi thực hiện cúi chào, một số quy tắc lịch sự cần được tuân thủ để thể hiện sự tôn trọng và chuẩn mực:

1. Giữ lưng thẳng và đầu khuỵu đúng mức.
2. Đàn ông nên đặt tay sang hai bên, phụ nữ nên đặt tay lên đùi.
3. Hướng mắt nhìn xuống đất, tránh nhìn trực tiếp vào mắt người đối diện.
4. Thực hiện cúi chào trong một khoảng thời gian ngắn và không kéo dài quá lâu.

Tuy nhiên, là một du khách nước ngoài, đừng lo lắng về các quy tắc cúi chào ở Nhật Bản! Dù sao đi nữa, hầu hết những người bạn gặp ở trong nước sẽ không mong đợi khách thành thạo phương pháp này. Thay vào đó, chỉ cần cúi đầu hoặc phần thân trên một cách tôn trọng là đủ. Ngay cả một cái bắt tay cũng được! Mặc dù việc bắt tay không phổ biến ở người Nhật nhưng đó là điều họ đã quen làm với khách du lịch trong nhiều năm qua.



4. Văn hoá húp mì

Trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản, việc húp mì không chỉ là một hành động hàng ngày mà còn là một phần không thể thiếu trong việc thưởng thức các loại mì như ramen, udon, hay soba. Điều này không chỉ đơn thuần là cách để thưởng thức hương vị tinh tế của mì và nước dùng, mà còn là một trải nghiệm tương tác đầy ý nghĩa giữa thực khách và món ăn.

Đối với du khách, tham gia vào trải nghiệm húp mì khi ăn tại Nhật Bản có thể mang lại một trải nghiệm độc đáo và giúp hòa nhập với văn hóa địa phương. Tuy nhiên, để tận hưởng trải nghiệm này một cách thoải mái và lịch sự, việc hiểu và tôn trọng nguyên tắc ứng xử là rất quan trọng.

Nếu bạn cảm thấy không thoải mái với tiếng động hoặc muốn tránh gây ra ồn ào, bạn có thể thưởng thức mì một cách nhẹ nhàng và kín đáo. Tại hầu hết các cửa hàng mì, bạn sẽ dễ dàng nghe thấy tiếng húp xì xụp vang vọng. Điều này là một phản ứng phổ biến và được chấp nhận rộng rãi bởi người dân địa phương.



5. Ngồi seiza trong văn hoá Nhật Bản

Trong văn hoá Nhật Bản, việc ngồi seiza là một phần của nền văn hóa và thường được thực hiện trong các tình huống trang trọng như tham dự các nghi lễ truyền thống, gặp gỡ các bậc trưởng bối hoặc thực hiện các hoạt động như trà đạo và thiền định. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, việc ngồi seiza không luôn là điều bắt buộc và người Nhật cũng hiểu và chấp nhận sự thoải mái của người nước ngoài.

Mặc dù seiza thể hiện sự khiêm tốn và tôn trọng, nhưng trong một số tình huống, việc ngồi theo cách mà bạn cảm thấy thoải mái cũng được chấp nhận. Đàn ông thường ngồi bắt chéo chân, trong khi phụ nữ thường ngồi khoanh chân sang một bên. Việc này không chỉ là một phần của việc tạo ra sự thoải mái mà còn phản ánh sự linh hoạt và sự đa dạng trong văn hóa Nhật Bản.

Tuy nhiên, khi tham gia vào các hoạt động truyền thống như trà đạo hoặc gặp gỡ người lớn tuổi, việc ngồi seiza vẫn được coi là phù hợp và thể hiện sự tôn trọng và chú ý đối với người khác. Trong những trường hợp như vậy, việc tuân thủ các phong tục và quy tắc văn hóa có thể là một phần quan trọng trong việc tạo ra một ấn tượng tích cực và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người dân địa phương.



6. Tháo giày dép khi vào nhà

Ở Nhật Bản, việc tháo giày khi vào trong nhà là một quy tắc phổ biến. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho tất cả mọi người và mọi hoàn cảnh. Trong các quán cà phê hoặc nhà hàng, việc giữ giày dép cũng không cần thiết. Nếu bạn thăm nhà của một người bạn Nhật Bản, họ có thể mời bạn giữ lại giày hoặc không, tùy thuộc vào tập tục gia đình hoặc không.



Kết luận

Nhật Bản không chỉ là quốc gia của các quy tắc nghiêm ngặt mà còn là nơi mang lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và thú vị. Việc hiểu và tôn trọng văn hóa địa phương là chìa khóa để tận hưởng hành trình khám phá đất nước mặt trời mọc.

10 cú sốc văn hóa Nhật phổ biến mà người nước ngoài hay gặp phải



Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá một số cú sốc văn hóa phổ biến mà du khách nước ngoài thường gặp phải khi đến Nhật Bản.


Khi đặt chân đến Nhật Bản, nhiều du khách quốc tế thường gặp phải những cú sốc văn hóa mà họ không thể tránh khỏi. Dù đã biết trước về văn hóa đa dạng và sự phát triển công nghệ ở đất nước này, nhưng việc trải nghiệm trực tiếp vẫn khiến họ bất ngờ và thậm chí là choáng ngợp.

1. Độ chính xác giao thông công cộng

Đúng giờ là một đặc điểm khá nổi tiếng của văn hóa Nhật Bản. Tương tự với giao thông vận tải ở Nhật Bản cũng diễn ra suôn sẻ đến mức khó có thể tin xe buýt và tàu chạy đúng giờ như thế nào. Nếu bạn đang đọc thấy tàu đến lúc 8:13 sáng thì tàu sẽ có mặt ở đó lúc 8:13 sáng.

Nếu vì lý do nào đó mà thời gian bị trễ thì sẽ thường xuyên có thông báo bằng tiếng Nhật và tiếng Anh để cảnh báo hành khách về sự chậm trễ.



2. Nhà vệ sinh công nghệ

Nhà vệ sinh ở Nhật Bản thực sự là một trải nghiệm độc đáo. Khi bạn bước vào lần đầu tiên, có thể bạn sẽ cảm thấy bối rối với một lượng nút bấm nhiều hơn cả chiếc điều khiển tivi của bạn, và nếu nhấn nhầm, bạn có thể bị giật bất ngờ.



3. Văn hoá giữ im lặng

Nhật Bản là đất nước có nền văn hoá tôn trọng sự tĩnh lặng và không ưa thích tiếng ồn. Vậy nên ở nơi công cộng hay trong các chuyến tàu ở Nhật Bản, giữ im lặng trên tàu là một phần của nghi thức thông thường mà du khách nên tuân thủ. Mặc dù luật không yêu cầu người dùng tàu giữ im lặng, nhưng việc nói chuyện ồn ào hoặc gây ồn ào được coi là không tôn trọng và không cân nhắc đối với người dân địa phương.

Điều này có thể khiến một số người mới sang Nhật cảm thấy bất tiện hoặc không thoải mái. Tuy nhiên sau một thời gian bạn sẽ hoà nhập và đánh giá cao văn hoá này.




Tìm việc làm tiếng Nhật tại Việt Nam tại đây

4. Bạn sẽ được phục vụ nước lạnh thay vì nước nóng quanh năm

Khi du khách đến thăm Nhật Bản, một trong những trải nghiệm gây sốc đầu tiên có thể là sở thích uống nước lạnh của người dân địa phương. Dù trời nóng hay lạnh, khách du lịch thường được phục vụ ohiya (nước lạnh) ngay khi ngồi xuống. Điều này xuất phát từ thói quen ăn uống thường xuyên của người Nhật, trong đó uống nước lạnh được coi là điều bình thường.

Một lý do khác cho việc này là do luật khử trùng nước nghiêm ngặt của Nhật Bản, làm cho nước uống của họ luôn đảm bảo sạch trước khi được phục vụ. Hơn nữa, trong quá khứ, người Nhật cổ đại thường phục vụ nước đá cho giới quý tộc, tạo ra một truyền thống phục vụ nước đá như một biểu tượng của lòng hiếu khách và sự tôn trọng.



5. Phong tục khi dùng bữa tại nhà hàng

Nhà hàng ở Nhật Bản có những phong tục đặc biệt có thể khiến du khách cảm thấy bối rối. Với văn hóa lịch sự phổ biến, một vi phạm nhỏ của quy tắc có thể khiến bạn không nhận ra rằng mình đã làm ai đó phật ý.

Người Nhật không nhận tiền tip. Tại các nhà hàng, khách sạn hoặc dịch vụ phục vụ, việc để lại tiền tip có thể được xem là không phù hợp và thậm chí là gây khó khăn cho người nhận. Người Nhật thường đánh giá công việc của họ là một phần trách nhiềm nghề nghiệp và không mong đợi tiền tip. Thay vào đó, họ cung cấp dịch vụ chất lượng và đảm bảo sự hài lòng của khách hàng.

Nếu bạn được tặng một đĩa thức ăn nhỏ có vẻ miễn phí, đó có thể là "otoshi". Mặc dù bạn có thể từ chối ăn nó, nhưng bạn có thể vẫn phải trả phí chỗ ngồi.

Đôi khi, bạn sẽ thấy một chiếc khăn ấm được đặt trên bàn khi bữa ăn được phục vụ. Đây là khăn dùng để lau tay trước khi ăn, và việc tự rót bia có thể bị coi là thiếu lịch sự.

Ăn uống ở Nhật Bản là một trải nghiệm độc đáo và tuyệt vời, nhưng việc hiểu và tuân thủ các hướng dẫn phong tục là rất quan trọng để đảm bảo mọi người đều có một trải nghiệm thú vị và thoải mái.




Xem thêm: Top 5 món ăn đường phố nổi tiếng của Nhật Bản

6. Bạn có thể sống nhờ máy bán hàng tự động

Nếu bạn dành thời gian lang thang trên đường phố Nhật Bản, bạn sẽ chú ý đến các máy bán hàng tự động. Mọi nơi. Bạn có thể tìm thấy khá nhiều thứ mình muốn nếu dành thời gian lục lọi trong tủ kính.

Nhận sushi và bánh mì sandwich, cho đến lon cà phê nóng và búp bê Pokemon sang trọng từ những chiếc máy tiện lợi này. Thậm chí có những con phố ở Tokyo tràn ngập những hộp thức ăn và đồ uống được chiếu sáng này - tôi luôn ngần ngại khi thử hộp ngô ấm, nhưng nó không tệ như tôi tưởng tượng trong đầu.

Nếu để ý kỹ, bạn có thể tìm thấy một số máy bán hàng tự động kiểu người lớn - theo báo cáo, có một máy bán đồ lót đã qua sử dụng. Không chắc chắn tại sao đó là một điều, nhưng nó chắc chắn là duy nhất.

Cuộc sống bền vững nhờ các máy bán hàng tự động của Nhật Bản, điều kỳ lạ nhất có thể là bạn vẫn có thể sống sót và thậm chí nhận được một số đồ lót mới nếu bạn đi chợ mua chúng.



7. Rất ít thùng rác nơi công cộng

Trong khi Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia sạch sẽ nhất thế giới, cú sốc văn hóa phổ biến nhất của nhiều người nước ngoài ở Nhật Bản là có rất ít thùng rác công cộng. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao không? Vâng, việc loại bỏ hầu hết các thùng rác ở Nhật Bản là do hàng loạt vụ tấn công khủng bố vào ga tàu điện ngầm Tokyo năm 1995. Sau khi phát hiện ra các hóa chất độc hại trong thùng rác của nhiều ga tàu điện ngầm khác nhau, nhiều thùng rác công cộng đã được dỡ bỏ như một biện pháp an ninh. Do không có thùng rác dễ tiếp cận, người dân Nhật Bản đã hình thành thói quen giữ tất cả rác bên mình để vứt đi hoặc tái chế ở nhà.

8. Bạn không đưa tiền trực tiếp bằng tay

Bất kể bạn mua sắm ở đâu, bạn sẽ thấy một khay nhỏ trên quầy khi thanh toán. Những khay này được gọi là “khay đựng tiền”, nơi bạn đặt khoản thanh toán của mình. Một cú sốc văn hóa phổ biến ở Nhật Bản là phong tục trả tiền và trả lại tiền lẻ bằng cách sử dụng những chiếc khay này, thay vì chuyển tiền trực tiếp từ tay này sang tay khác. Cách thực hành thông minh này giúp nhân viên thu ngân dễ dàng thu và đếm tiền hơn, giúp quá trình thanh toán đạt hiệu quả cao.



9. Thói quen đeo khẩu trang (ngay cả trước đại dịch)

Trong khi việc đeo khẩu trang đã trở nên phổ biến trên toàn cầu trong những năm gần đây, thì người Nhật đã áp dụng thói quen này từ trước cả đại dịch COVID-19. Người dân Nhật Bản đã hình thành thói quen đeo khẩu trang từ lâu vì một số lý do:

Không khí mùa đông ở Nhật Bản thường rất khô, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lưu hành của các loại virus gây bệnh.


Ngoài ra, vào mùa xuân (từ tháng 3 đến tháng 6), phấn hoa trong không khí có thể gây ra vấn đề dị ứng cho nhiều người. Cây tuyết tùng Nhật Bản, một trong những nguyên nhân phổ biến gây hắt hơi và sổ mũi, khiến người dân cảm thấy không thoải mái.

Do đó, việc đeo khẩu trang phẫu thuật giúp giảm bớt sự không thoải mái này và bảo vệ sức khỏe của họ



10. Tiếng Anh không phổ biến lắm

Ngôn ngữ là điều đầu tiên mà du khách thường phải đối mặt khi đến Nhật Bản. Dù tiếng Anh được dạy trong hệ thống giáo dục, nhưng đối với nhiều người Nhật, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh vẫn còn hạn chế. Do đó, việc giao tiếp hàng ngày có thể trở nên khó khăn, đặc biệt là ở những nơi nhỏ và truyền thống.



Rất may, hiện có rất nhiều ứng dụng dịch thuật đáng tin cậy, nhiều ứng dụng trong số đó có sẵn tính năng camera để bạn chụp ảnh menu bằng tiếng Nhật để dịch các từ sang tiếng Anh.



Kết luận

Trải qua những cú sốc văn hóa này, người nước ngoài có thể hiểu rõ hơn về văn hóa phong phú và đa dạng của Nhật Bản và cũng cảm nhận được sự độc đáo và sâu sắc trong cách sống của người dân nơi đây. Điều quan trọng là mở lòng và tôn trọng các giá trị văn hóa khác nhau khi khám phá và trải nghiệm một nền văn hóa mới.

Top 5 tựa game thịnh hành trên thế giới được phát hành từ Nhật Bản



Nhật bản là cái nôi của rất nhiều tựa game nổi tiếng trên toàn thế giới, không chỉ hấp dẫn người chơi bởi đồ hoạ sắc nét, hình ảnh chân thực mà còn gây ấn tượng nhờ những ý tưởng táo bạo và nét văn hoá mặt trời mọc luôn được lồng ghép khéo léo.


Cùng điểm qua những tựa game Nhật Bản được yêu thích nhất dưới đây nhé!

1. Persona 5 Royal – phần hay nhất trong tựa game nhập vai của Nhật



Persona 5 Royal là một phiên bản nâng cấp và là phần hay nhất trong tựa game nhập vai Nhật Bản Persona đình đám được ra mắt vào năm 2016. Ở game nhập vai này, người chơi sẽ trong vai học sinh trung học bí ẩn với nghệ danh Joker – người khởi nguồn sức mạnh và thành lập đội quân Phantom Thieves chống lại sự xâm nhập của phe ác quỷ.



Phiên bản mới này của game đem đến một loạt các thay đổi, trong đó có 2 nhân vật và hệ thống Confidants mới, một học kì mới mở ra và khu vực Palace mới đem đến cho người chơi thêm hai cái kết mới, cơ chế chơi game mới cũng được bổ sung vào, cũng như các trận đánh boss và các dungeon trong game được tinh chỉnh lại.

2. Judgment – thương hiệu game đình đám được yêu thích



Năm 2018, Judgment được công bố là một game ngoại truyện đặt cùng bối cảnh, vũ trụ của Yakuza và kế thừa nhiều nét tinh hoa của dòng game này (Yakuza là một thương hiệu game đình đám của Nhật Bản, được yêu thích kể từ lần đầu ra mắt từ năm 2005). Với lối chơi được làm mới, mang đậm phong cách thám tử điều tra, Judgment gây hứng thú với những ai yêu thích thể loại phá án. Khả năng phân tích hiện trường, theo dõi nghi phạm và thu thập chứng cứ của bạn sẽ được tôi luyện đáng kể với Judgment.



Game đặt bối cảnh tại thành phố Kamuro - vốn đã quá quen thuộc với fan của dòng game Yakuza, và người chơi sẽ đồng hành cùng nhân vật chính Yagami Takayuki – một thám tử kiêm cựu luật sư, trên con đường đi tìm chân tướng đằng sau một chuỗi những vụ án sát nhân ghê rợn và bí ẩn tại nơi đây.



Ở Judgment người chơi sẽ có những trải nghiệm hoàn toàn mới với khả năng điều tra, suy luận và phá án của Yagami thông qua rất nhiều cơ chế đặc biệt trong game từ phân tích hiện trường vụ án, theo dõi nghi phạm cho đến cả sử dụng công nghệ cao để thu thập chứng cứ bằng điều khiển drone và camera.

3. The World Ends With You - Mở rộng tầm nhìn, khai sáng thế giới

Ra mắt vào năm 2007 nhưng đến nay World Ends With You vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hơn hết là nhờ bối cảnh hấp dẫn, đồ hoạ độc đáo và lối chơi cực nhiệt. Hơn cả những màn đấu tranh hiểm hóc, bạn sẽ phản ấn tượng với âm nhạc đỉnh cao và mạch truyện “bánh cuốn” trong game.



The World Ends with You sẽ đưa bạn tới đường phố Shibuya, nơi bạn sẽ tham gia "Trò chơi Tử Thần", cuộc chiến đấu sinh tồn sống hoặc chết. Người chơi sẽ vào vai Rindo đi khắp lòng Tokyo để vén màn bí ẩn về trò chơi mà họ bị buộc phải tham gia.



The World Ends with You sẽ tái tạo lại một Shibuya hiện đại với phong cách comic. Người chơi có thể khám phá và tận hưởng phong cảnh, âm thanh, và văn hóa tại khu phố này, hoàn thành các nhiệm vụ để tìm cách thay đổi số phận mà họ đang mắc phải.

4. Ghost of Tsushima – game nhập vai cổ trang đình đám



Ghost of Tsushima là tựa game hiếm hoi lấy bối cảnh chiến đấu cổ trang, nơi bạn được nhập vai vào biệt đội hùng mạnh, cưỡi ngựa oai hùng và chiến đấu đến hơi thở cuối. Còn gì tuyệt hơn việc leo ngay lên yên ngựa và bắt đầu cuộc chiến với Ghost of Tsushima?



Ghost of Tsushima sẽ đưa bạn về quá khứ đầy hào hùng của đất nước xứ sở hoa anh đào. Game lấy bối cảnh là hòn đảo Tsushima của Nhật Bản, một địa điểm mà năm 1274 đã bị xâm chiếm bởi những người Mông Cổ. Nhà phát triển Sucker Punch đã thực hiện một cuộc nghiên cứu sâu rộng trên hòn đảo thực tế, bao gồm cả việc nghiên cứu về thực trạng ban đầu của bãi biển, nơi người Mông Cổ đầu tiên tấn công.



Đội ngũ sản xuất đã thực hiện rất tốt công việc của mình khi thực hiện một bản phục dựng tuyệt hảo về địa lý, thực vật và động vật của hòn đảo này. Đối với Sucker Punch, đó là sự tôn vinh khi thiết lập sân khấu cho những khoảnh khắc đẹp và căng thẳng trong một vùng nông thôn bình dị bị chiến tranh tàn phá.

5. Shin Megami Tensei V – phần game tiếp theo trong series game đình đám

Shin Megami Tensei V là phần game tiếp theo trong series con cưng của Atlus - bản phát hành độc quyền dành cho Nintendo Switch. Tại Tokyo thời hiện đại, trong một chuyến đi về nhà như mọi ngày của nhân vật chính, đột nhiên là sự kiện bí ẩn diễn ra khiến cho cậu bị chôn vùi trong đống đổ nát…



Nhân vật chính trong Shin Megami Tensei V là một học sinh trung học năm ba, sống ở Tokyo. Mỗi ngày với anh trôi qua bình yên ở Học viện Jouin. Thế rồi một lần kia, khi anh cùng bạn bè đi ngang ga tàu điện ngầm Shinagawa trên đường từ trường về nhà, một vụ giết người đã xảy ra gần đó và ga phải đóng cửa. Nhân vật chính đi vào một đường hầm gần đó để tìm người bạn vừa bị chia tách bởi hỗn loạn. Nhưng đường hầm lại bất ngờ sập xuống khiến anh bất tỉnh.



Khi hồi phục tri giác, nhân vật chính xém chút không còn nhận ra một Tokyo quen thuộc nữa. Thành phố này đã bị tàn phá tới mức không khác gì một hoang mạc. Điều gì đã xảy ra? Liệu đây là âm mưu được hoạch định sẵn hay thảm họa tự nhiên? Lời giải đáp sẽ có trong chuyến hành trình cùng nhân vật chính của Shin Megami Tensei V.

Phía trên là Top 5 tựa game được phát hành từ Nhật Bản thịnh hành trên thế giới, vào những dịp cuối tuần hay khi có thời gian rảnh rỗi bạn có thể thử khám phá những tựa game thú vị này nhé!